Trung Quốc đang đánh mất thêm nhiều thị phần sản xuất và xuất khẩu trong các lĩnh vực quan trọng - từ quần áo và phụ kiện cho tới khoáng sản và công nghệ văn phòng - vào tay các nước láng giềng châu Á hoặc các nước nằm gần hơn với Mỹ và châu Âu.
Muốn giảm phụ thuộc về may mặc
Vì nhiều lý do, "tình yêu" của các thương hiệu thời trang phương Tây dành cho Trung Quốc đang dần phai nhạt. "Đối với nhiều doanh nghiệp, đã qua rồi cái thời chỉ sản xuất ở Trung Quốc và vận chuyển đi khắp nơi. Sự gián đoạn đã làm tăng chi phí vận chuyển thành phẩm, dẫn tới nhu cầu sản xuất ở các quốc gia khác để có được sự ổn định hơn" - báo Financial Times dẫn lời ông Todd Simms, phó chủ tịch của nền tảng thông tin chuỗi cung ứng FourKites, nói.
Nhiều yếu tố đang buộc một số thương hiệu thời trang phương Tây phải suy nghĩ lại về sự phụ thuộc hàng chục năm qua của họ vào các nhà máy ở Trung Quốc. Dù mới ở giai đoạn đầu nhưng sự dịch chuyển của các thương hiệu thời trang phương Tây khỏi Trung Quốc đánh dấu sự đảo ngược sau nhiều năm thuê ngoài (outsourcing) ở Trung Quốc.
Ông Dieter Holzer, cựu giám đốc điều hành và là thành viên hội đồng quản trị của Marc O'Polo, cho biết thương hiệu thời trang Thụy Điển - Đức này đã bắt đầu chuyển từ hợp tác với một số nhà cung cấp ở Trung Quốc sang các nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha từ năm 2021.
Ông giải thích quyết định này nhằm "cân bằng và loại bỏ rủi ro khỏi chuỗi cung ứng của bạn, giúp nó bền vững hơn". Ông cho rằng nhiều công ty trong ngành may mặc đang xem xét lại hoạt động của họ ở Trung Quốc.
Những tên tuổi lớn như công ty may mặc thời trang Mango (Tây Ban Nha) và Dr Martens (Anh) gần đây cắt giảm hoặc báo hiệu ý định chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. "Thông điệp lớn ở đây là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bạn không muốn bỏ tất cả trứng vào một giỏ" - giám đốc điều hành của Dr Martens, ông Kenny Wilson, chỉ ra.
Được biết, công ty sản xuất giày boot này đã chuyển 55% tổng sản lượng ra khỏi Trung Quốc từ khi ông Kenny Wilson tiếp quản vào năm 2018. Chỉ 12% tổng sản lượng bộ sưu tập thu đông 2022 của hãng được sản xuất tại Trung Quốc, giảm so với mức 27% vào năm 2020. Ước tính tỉ lệ này sẽ giảm xuống còn 5% trong năm nay.
Vì đâu nên nỗi?
Gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát (dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng vọt) và sự trì hoãn đáng kể trong giao hàng là những nguyên nhân thúc đẩy sự dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Một chuyên gia tư vấn trong ngành dệt may cho biết đơn hàng quần áo trượt tuyết từ mùa trước của một nhà bán lẻ phải đến mùa hè năm 2022 mới được giao tới nơi.
Các nhà bán lẻ quần áo châu Âu đã nỗ lực cắt giảm thời gian vận chuyển hàng vì xu hướng thời trang và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi rất nhanh. Đây là một lý do khác khiến họ quyết định lựa chọn các nhà cung cấp gần hơn thay vì Trung Quốc xa xôi.
Bên cạnh đó, các động lực tài chính để ở lại Trung Quốc đang giảm dần khi tiền lương trả cho người lao động của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng lên sau nhiều năm sử dụng lao động giá rẻ. Trước đây, lao động giá rẻ là yếu tố quan trọng để các thương hiệu thời trang phương Tây tìm tới những nơi xa xôi như Trung Quốc để thuê sản xuất.
Theo số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, mức lương trung bình tại nhà máy nước này đã tăng gấp đôi từ năm 2013 đến năm 2021, cụ thể là từ 46.000 nhân dân tệ (6.689 USD) lên 92.000 nhân dân tệ một năm.
Năm ngoái, ông Jose Calamonte, giám đốc điều hành của nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Asos (Anh), cho biết các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc không còn có độ cạnh tranh về giá nếu tính cả chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, sự dịch chuyển còn bị thúc đẩy bởi các luật nghiêm ngặt hơn được Mỹ và châu Âu đưa ra nhằm bảo vệ người lao động, sau những cáo buộc của phương Tây về lao động cưỡng bức ở Tân Cương, nơi nổi tiếng với nghề trồng bông ở Trung Quốc.
Bà Rosey Hurst, giám đốc công ty tư vấn đạo đức doanh nghiệp Impactt, cho biết bà còn đang thấy nhiều tín hiệu về việc các nhà sản xuất hàng may mặc phương Tây muốn dịch chuyển khỏi châu Á nói chung.
Tuy nhiên, những kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi các trung tâm sản xuất dệt may châu Á không dễ dàng do tính phức tạp của chuỗi cung ứng. Theo dữ liệu năm 2020 từ trung tâm nghiên cứu CEPII (Pháp), các quốc gia như Trung Quốc và Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn trong xuất khẩu dệt may toàn cầu.
Chẳng hạn hơn một nửa số nhà cung cấp cho Inditex (Tây Ban Nha), nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, nằm ở châu Á trong năm 2021, chỉ giảm nhẹ so với tỉ trọng vào năm 2018.
Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi
Thổ Nhĩ Kỳ đã nổi lên thành một nước hưởng lợi từ việc các thương hiệu thời trang phương Tây chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc và châu Á nói chung, vì nước này là một phần của liên minh hải quan với Liên minh châu Âu (EU) - cơ chế cho phép thương mại không rào cản giữa các thành viên.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một điểm đến phổ biến và được lựa chọn bởi những hãng như Hugo Boss, Adidas, Nike, Zara" - ông Simon Gaele, một thành viên cấp cao tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng Proxima, đánh giá.